GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 10
“Quê mẹ” – Thanh Tịnh
Thưa các thầy cô và các em!
Nhân dịp kỉ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam tôi xin phép được giới thiệu tới toàn thể các thầy cô giáo và các em học sinh cuốn sách “Quê mẹ” được rút ra từ bộ sách”Tác phẩm chọn lọc dành cho thiếu nhi” của Nxb Kim Đồng.
Các em thân mến!
Mỗi trang sách mở ra sẽ đồng hành cùng các em trên con đường khám phá những điều kì diệu của trái tim và hy vọng rằng các em sẽ tìm thấy sự đồng cảm với những câu chuyện kể và đem tình yêu thương, lòng nhân ái của mình đến với mọi người và đặc biệt là người mẹ kính yêu của mình.
Cuốn sách dày 254 trang và có 19 câu chuyện văn xuôi và một trường ca. Mỗi câu chuyện là tình cảm yêu thương nồng nàn , là sự kính trọng biết ơn vô bờ của những đứa con thân yêu dành cho mẹ mình, là tình cảm là sự chăm sóc nâng niu của mẹ dành cho những đứa con.
Đọc Quê mẹ để hiểu thêm về con người và cuộc đời trong xã hội cũ, vời cái nghèo lưu truyền cùng những bất trắc và bất hạnh luôn luôn gắn với đời người. Nhưng cũng là để lưu lại tình đời và tình người, lưu lại sức chịu đựng và vượt lên những gian nan thử thách nhờ nó mà con người có thể tồn tại, hơn thế thỉnh thoảng có sự an ủi và bù đắp trong những niềm vui đơn sơ, bình dị.
Từ hơn nửa thế kỉ qua. Quê mẹ gắn với Thanh Tịnh như một biểu tượng cụ thể của tình quê hương. Đọc quê mẹ để hiểu khi người viết có thêm một tình yêu tha thiết với những mảnh đất quê với cảnh và người một vùng cụ thể, họ sẽ thổi được một sự sống riêng , tỏa được một hơi ấm riêng, khiến cho những trang viết bỗng dưng có hồn, để trở thành một lưu luyến khắc khoải cho người đọc thuộc nhiều thế hệ. Quê mẹ của Thanh Tịnh, đó là làng Mỹ Lý, cũng như quê ngoại của Tô Hoài – làng bưởi ven đô Hà Nội; “quê ngoại” Hồ Dzếnh – một vùng sông nước xứ Thanh; rồi “quê nội” của Võ Quảng – thôn Hòa Phước, một làng quê ven sông Thu Bồn… ấy là biểu tượng của làng quê, là sự sống của tình quê trong hành trình lịch sử
Những “quê mẹ” rồi “quê ngoại” và “quê nội” trong văn xuôi dành cho tuổi thơ nói riêng và người đọc rộng rãi nói chung, những tên riêng khơi gợi hoặc đánh thức bao lưu kuyến về tình quê hương, để từ một quê hương cụ thể mà nâng lên tình đất nước – đó là con đường đi, là chu trình vận hành, là đóng góp cụ thể của văn xuôi hiện đại mà Thanh Tịnh là thuộc số ít người có công khởi động và để lại được dấu ấn theo thời gian cho đến hôm nay.
Mong cho mỗi người đọc, trước hết là những bạn đọc nhỏ tuổi có một “quê mẹ” cụ thể, hoặc “quê mẹ” trong tâm tưởng, trong tinh thần để nhớ thương và lưu luyến trong cái thời của cách mạng khoa học – kỹ thuật, của quá trình đô thị hóa đang xóa dần ranh giới nông thôn và thành thị.
Và cô chắc chắn một điều nữa là quyển sách này còn rất nhiều điều lý thú và ý nghĩa hơn nữa. Các em hãy tự đọc và tự tìm hiểu khám phá nhé. Các em có thể tìm thấy nó trong tủ sách thiếu nhi tại thư viện nhà trường và có số đăng kí cá biệt là TKTN-00362. Sách do NXB kim đồng, xb năm 2006, tác giả: Thanh Tịnh, quyển sách được thiết kế nhỏ gọn. Mong rằng với quyển sách này các em và các thầy cô sẽ có những giây phút trải nghiệm vui vẻ và hạnh phúc và đây cũng là món quà lớn đối với người mẹ thân yêu mình.
Cuối cùng chúc các thầy cô và các em có một tuần học đạt kết quả tốt./.
An Phượng , ngày 5 tháng 10 năm 2020
CBTV
Nguyễn Thị Tươi